Niềm Tin sắt đá

và đức tính kiên cường chịu đựng

của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

-------------------

Nhìn lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, chúng ta thường tự hỏi, với sức lực nào giáo đoàn Việt Nam hồi xưa đã lướt thắng những cơn đại họa như thế? Họ chỉ có một bí quyết thần diệu:

Niềm tin sắt đá vào Lời Chúa đã tiên đoán: "Người ta sẽ điệu chúng con ra trước pháp trường, chúng con sẽ bị đánh đập trong các hội đường, bị truy tố trước mặt vua quan vì danh Cha, như thế chúng con sẽ làm chứng nhân trước mặt các chức quyền và các dân ngoại" (Matt. 10, 17-18)

Niềm cậy trông nơi Chúa Quan Phòng công minh và nhân hậu: "Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã biểu lộ tình thong đến mức độ hy sinh mạng sống vì ta, do đó không ai có thể yêu thương hơn người đã thí mạng sống mình vì Chúa và vì anh em" (Igio. 3, 16; Gio. 15, 13).

Sự cảm mến vừa sâu xa vừa nồng nàn dành cho Chúc Kitô, vị Tử Ðạo tối cao và là phần thưởng bền bỉ muôn đời: "Chúng con hãy vui mừng, vì phần thưởng dành cho chúng con ở trên trời rất lớn lao" (Matt. 5, 12).

Kiên cường chịu đựng, có nghĩa là ân sủng Chúa hoạt động trong linh hồn các Thánh trong giờ tử đạo đã lên tới mức tột độ: "Tình yêu hùng mạnh như tử thần, lòng ganh tị (của tình yêu) mãnh liệt như âm phủ, ngọn lửa tình yêu là ngọn lửa hỏa hào nung nấu. Tình yêu: dù thác lũ cũng không thể dập tắt, dù hồng thủy cũng không thể nhận chìm" (Diệu ca 8, 6-7).

Trước kia trong các cuộc bách hại dưới thời các Chúa Trịnh Nguyễn, các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, nhưng nhất là từ sau Phong Trào Văn Thân trở đi có những tiếng đồn thổi, lời buộc tội, được truyền đi cả trong sách vở rằng, đi đạo là vọng ngoại bang, là theo Tây phương, là bán nước, tử đạo là vì lý do chính trị! Ðọc lại một số tài liệu chính xác ngay từ thời bách hại, cũng như đọc những cuốn sử viết từ 1869, hay là từ 1905-1907, trên dưới 100 năm rồi, do những tác giả đã sống trong cuộc, hoặc đã sống liền sau các biên cố, chúng tôi thiết tưởng phải nói lên một nhận xét: tuy cá nhân, nhưng cần thiết để cho danh chính ngôn thuận. Nhận xét của chúng tôi là một thế kỷ đã qua đi, thời gian dài đủ cho những thành kiến con người lắng xuống! Hơn nữa sống trong thế giới văn minh ngày nay, sống trong xã hội dân chủ đại đồng của thế kỷ hai mươi, nhìn lại quá khứ, chúng ta không thể nhắm mắt lặp lại những khẩu hiệu xa xưa như con sáo con vẹt, nhưng phải thức tỉnh và phải biết phanh phui lịch sử để nhìn ra sự thật. Sự thật là:

Tất cả 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, là đại diện, là tinh hoa cho cả trăm ngàn bạn đồng nghiệp đã chết vì Tín ngưỡng thời xưa, cũng như là đại diện, là tinh hoa cho cả từng triệu tín đồ Công Giáo Việt Nam ngày nay, không một vị nào đã bị hành quyết mà không có một bản án do chính tay nhà Vua, hay do Triều đình đại diện chính quyền thời đó ký nhận. Trên những bản án đó không một lần nào văn kiện nhà Vua đá động tới lý do chính trị; trái lại trong tất cả 117 bản án, nhà Vua chỉ trưng lý do duy nhất: giám mục đó, linh mục đó bị xử vì ngài là đạo trưởng; giáo dân đó bị kết án tại vì ngoan cố không chịu bỏ đạo, không bước qua Thập giá. Nói thể khác, lý do được công khai tuyên bố có tính cách hoàn toàn tôn giáo.

Sự kiện này chúng tôi còn thấy ghi rõ trên 12 bức tranh cở lớn, được vẽ cách đây cả trăm năm, họa lại quang cảnh nhiều cuộc hành quyết các vị Tử Ðạo Việt Nam vào những năm 1838-1840, và hiện còn trưng bày trong "Gian phòng các vị Tử Ðạo" của Hội Thừa Sai Paris, tại thủ đô Pháp: bên cạnh mỗi vị Tử Ðạo một bản án cắm sâu xuống đất, ghi rõ loại khổ hình sắp sửa thi hành và lý do kết án!

Tuyên án một nhân vật là đạo trưởng, là tín đồ trung kiên cho đên chết, chính nhà vua, người cầm quyền trong nước, đã nói lên sự thật thuần túy tôn giáo: tại sao người ta lại xóa nhòa sự thật lịch sử đó đi và, thay vào đấy, gán ghép mầu săc và tính cách chính trị? Sự kiện nhân vật đó can trường chấp nhận cái chết vì mình là đạo trưởng, là tín đồ trung thành, đối với người Công Giáo là một vinh dự lớn lao, là khí phách hiên ngang, hơn nữa là một hồng ân đặc biệt của Chúa, ai cũng phải cất mũ kính phục, chứ không bao giờ cho đó là một nhục nhã!

Những Sắc lệnh cấm đạo của chúa Trịnh, chúa Nguyễn và các vua hồi xưa có nói tới sự kiện Thiên Chúa Giáo xuất xứ từ Tây Phương và do những vị Thừa Sai ngoại quốc đem vào Việt Nam: đây cũng là nói lên sự thật lịch sử, cũng như khi nói Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Hồi giáo ở Việt Nam cũng tư ngoại quốc (Trung Hoa, A�n Ðộ, Mã Lai...) đem vào qua các thời đại lịch sử quốc dân ta.

Tuy nhiên sự kiện chính yếu, cái mà các vua chúa nhằm tiêu diệt, và còn ghi chép trong các văn kiện, tài liệu lịch sử rành mạch, như chúng tôi đã trình bày ở trên, là chính đạo Công Giáo mà vua chúa đã cố tình định nghĩa là "tả đạo": tả đạo trong lý thuyết, vì nhà cầm quyền hồi đó cho rằng "đạo dạy những điều làm xáo trộn trật tự trong nước; và tả đạo trong thực hành, vì giáo dân không chịu từ bỏ đạo Chúa, mặc dầu đã có những Sắc lệnh nghiêm cấm: do đó làm vua chúa bất mãn tới mức độ khắc hai chữ đó trên mặt giáo dân trước khi đẩy họ vào kiếp đời bị "phân sáp" trong các làng xa lạ hay là bị đi đầy chung thân biệt xứ!

Cách đối xử này cũng mang sắc thái tôn giáo: "hận thù tín ngưỡng" (odium fidei) nhằm tiêu diệt niềm tin trong tâm hồn người dân, chứ đâu có phải vì lý do chính trị? Trong con số khổng lồ 130,000 vị Tử Ðạo kia có ai đã là người phản loạn, đã cầm khí giới, hay đã phất cờ khởi nghĩa nhằm lật đổ chính quyền đâu?

Nếu các nhà truyền giáo ngoại quốc hồi xưa đến Việt Nam với mục đích làm tay sai cho một đế quốc thực dân, hay là để mở rộng biên cương chính trị cho một thế quyền nào, chúng tôi thiết tưởng: khi gặp thời bất lợi, các ngài đã bỏ cuộc, đã tháo lui với đoàn tầu nhà buôn, hay với đoàn quân viễn chinh, chứ đâu các ngài còn dám liều bám víu vào mảnh đất Việt Nam này, liên tục sống trong đe dọa ngày đêm, lén lút trong các hang cùng ngõ hẻm, để rồi bị bắt chịu cảnh ngục tù từng tháng từng năm và kết liễu đời mình bằng cái chết đau thương, xa quê hương, cha mẹ, thân thuộc!

Lịch sử là biện chứng hùng hồn chính xác hơn cả. Do đó chúng tôi cảm nghĩ: đã tới thời gian chấm dứt những thành kiến, chôn vùi những nghi kị, để giữa long dân tộc Việt Nam thống nhất, chúng ta, những công dân "tout court", bất cứ sống đời lưu vong ở hải ngoại, hay là còn ở bên Tổ Quốc thân yêu, chúng ta duy trì lý tưởng cao đẹp "cảm thông và đoàn kết", là những yếu tố căn bản để xây dựng và củng cố tinh thần quốc gia và huynh đệ một nhà!

Ðứng bên hồng ân trọng đại, Tòa Thánh đã tôn phong lên bậc Hiển Thánh một số 117 vị Tử Ðạo, đang khi còn vô vàn những Tử Ðạo khác vẫn còn là những vị Thánh ẩn danh, người Công Giáo Việt Nam hiên ngang nghiêng mình trước những bậc Tổ Tiên anh dũng đã nêu gương đời sống công dân thánh thiện thuần túy. Cũng là những bậc anh hùng đất nước, từ nay đứng trên bàn thờ ngang hàng với các vị Thánh của Giáo Hội hoàn vũ, các ngài giơ cao ngọn cờ chiến thắng, vì đã chứng minh tấm long quả cảm, ý chí kiên cường: chịu chết vì chính nghĩa đức Tin, nhưng không mang theo, và cũng không dạy, hận thù vua quan và các người đã sát hại mình! Ðúng tinh thần đại nghĩa:

"Ðấng trượng phu, đừng thù mới đáng,

Ðấng anh hùng, đừng oán mới hay"!

Những đám đông tín hữu hồi xưa tháp tùng các vị Tử Ðạo đi ra pháp trường: họ theo sau để đọc kinh cầu nguyện, để lên tinh thần cho các anh em đang chịu khổ, và chỉ chờ khi đầu các vị Tử Ðạo rơi xuống là nhảy vào thấm máu, nhảy vào xin xác đem về an táng và tôn kính, chứ không hò nhau đuổi bắt hay sát hại những tên đao phủ chỉ có bổn phận thi hành mệnh lệnh cấp trên!

Cũng như ngày nay những đoàn thể Công Giáo, vào các dịp kỷ niệm, có tập trung hành lễ trong những ngôi thánh đường, nơi còn giữ ngôi mộ hay hài cốt các Thánh Tử Ðạo, có hành hương về các địa điểm như Bẩy Mẫu, Cầu Giấy, Hải Dương, Ðồng Hới, Thừa Thiên, Nam Ðịnh, Thợ Ðức, Trí Bưu, An Hòa, Bà Rịa..., xưa kia là những pháp trường diễn ra những vụ hành quyết rùng rợn..., những đoàn thể giáo dân này tập trung là để tưởng niệm, hun đúc lại tấm gương sáng lạn của các bậc Thánh nhân. Họ tập trung với hai bàn tay chắp lại, với hai đầu gối quỳ xuống cầu xin Thượng Ðế quan phòng che chở gia đình họ, thân thuộc họ còn sống cõi đời tạm gửi gian chuân, họ cầu cho quốc thái dân an, cho giang sơn đất nước phồn thịnh, và cho cả các nhà cầm quyền được sáng suốt thi hành nhiệm vụ đối với Tổ Quốc nhân dân, và đem lại hạnh phúc cho toàn thể đồng bào!

Ðây cũng là một sự thật. Nếu người công giáo thà chịu chết đề bảo đảm tín ngưỡng, sự kiện này minh chứng tín ngưỡng là cái gì sâu xa, bền bỉ, linh thiêng không thể xóa nhòa, giập tắt bằng những mãnh lực bên ngoài. Sự kiên trì nắm vững niềm tin đó có nghĩa là mỗi người có quyền tự do liên hệ với Thượng Ðế, và quyền này bất di bất dịch vì phát xuất từ căn bản thiết yếu của con người!

 

(Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh

của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)

***

 

Những Phép Lạ nhờ lời cầu bầu

của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

được Tòa Thánh công nhận

 

Những Phép Lạ nhờ lời cầu bầu của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam được Tòa Thánh công nhận.

Những Phép Lạ được trình bày sau đây không phải do mỗi cá nhân từng vị Thánh Tử Ðạo đã làm, nhưng là khi giáo dân, Việt Nam cũng như ngoại quốc, cầu khẩn, họ cầu một cách tổng quát: "Vì công nghiệp các Thánh Tử Ðạo Việt Nam" hay là "Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, cầu cho chúng tôi". Do đó những phép lạ nói đây mang tính cách tập thể, và giá trị được tuyên bố là giá trị chung cho toàn khối các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Ba phép lạ đầu tiên (số 1, 2, 3 dưới đây) là những phép lạ chính thức, nghĩa là đã được Tòa Thánh nghiên cứu với các Ủy Ban Bác Sĩ liên hệ, và đã công nhận: do đó có giá trị cho toàn khối 90 vị Tử Ðạo (được phong Chân Phước trong đợt I: 1900; đợt II: 1906; đợt III: 1909). Còn lại 27 vị (2 vị đợt I: 1900 và 25 vị đợt IV: 1951), vì đã có bằng chứng hiển nhiên các ngài đã chết vì đức Tin: vì vậy Tòa Thánh đã tha việc đòi hỏi phép lạ trước khi tôn phong Chân Phước.

Còn một số phép lạ khác (số 4) và các phép lạ do một vài cá nhân Tử Ðạo (hai Giám Mục Valentinô Berrio Ochoa và Melchor Garcia Samedro), mặc dầu không được Tòa Thánh lập Ủy Ban điều tra chính thức và công nhận, tuy nhiên vẫn là những sự kiện siêu nhiên vì đã cứu chữa rất nhiều bệnh nhân một cách lạ thường, và còn tiếp tục trong thời gian hiện tại.

 

1. Phép Lạ: Bà Margarita Maria Goldsmit, người Anh, được khỏi bệnh: ngày 4/04/1853:

Năm 1849, sau một lần đi tắm, bà Margarita Maria Goldsmit tự nhiên bị lạnh cả người và cảm thấy đau đớn suốt trong mấy tháng trời. Sang năm 1850, thấy có phần thuyên giảm, bà theo chồng sang Paris. Nhưng rồi chính ở Paris cơn bệnh trở lại trầm trọng. Bác sĩ Skrimpton, Bác sĩ tư của gia đình, từ London sang hiệp lực với 3 vị Bác sĩ người Pháp, nhưng không làm sao cho bà đi trong nhà. Nằm trên giường không thèm ăn, không thèm ngủ mãi cho tới cuối năm 1852 phải áp dụng cả đến phương pháp dùng quang tuyến đốt một phần tế bào bên trong, nhưng càng làm cho bệnh nhân suy nhược!

Bà Goldsmit là một thiếu phụ ngoan đạo, năng xin rước lễ. Sau cùng, bỏ tất cả các thứ thuốc trần gian, bà nghe lời cha giải tội làm tuần 9 ngày kính các vị Tử Ðạo thuộc nhóm Thừa Sai Paris, trong đó có nhiều vị Việt Nam, mà Ðức Gregorio XVI vừa mới tuyên bố đưa lên bậc Ðáng Kính (năm 1840 và 1843). Trong suốt thời gian 9 ngày đặc biệt đó, bà đeo trên mình mẫu ảnh, trong đó đựng hài cốt mấy vị Tử Ðạo, bắt đầu từ hôm 27/03/1853. Ðêm sau cùng bệnh tình càng gia tăng, nhưng sáng hôm sau, ngày 4/04/1853, sau khi rước lễ, bà cầm trí tạ ơn Chúa, trong tay nắm chặt mẫu ảnh mang di tích các vị Tự Ðạo.

Tự nhiên bà cảm thấy nôn nao, nghe như có tiếng bên trong thúc bà ngồi dậy, bà nhận chuông gọi y tá, rồi bà đòi ăn vì cảm thấy đói sau bao nhiêu ngày tháng kiêng cử. Cô y tá bưng thịt, bưng bánh đưa cho bà ăn. Ăn xong bà đòi lấy xe đưa bà đến nhà thờ dự lễ: trên xe bà không còn thấy diễn lại những lần chân tay co rút đau đớn và nhức nhói như hồi nào! Trong nhà thờ bà đứng lên ngồi xuống một cách bình thản như mọi người khác. Về tới nhà bà không cảm thấy mệt mỏi: cuộc đời đã tươi sáng trở lại, vì từ đó cơn bệnh đã hết hẳn!

 

2. Phép Lạ: Nữ Tu Saint Bernard, nhũ danh Eleonore Rogé được chữa lành ngày 23/08/1854:

Là một nữ tu chuyên nghề y tá trong bệnh viện thành phố Reims bên Pháp, năm 32 tuổi chị mắc chứng bệnh trẹo xương bên chân trái. Từ tháng 5 năm 1850 cho tới tháng 4 năm 1854, chị bị giải phẫu tất cả 7 lần, và lần thứ 8 (9/04/1854) là trầm trọng hơn cả. Bác sĩ bắt chị phải đi một thứ giầy ống, và sau đó còn phải bó bột ống chân. Ngày 25/05/1854 chị mệt hẳn người, và chứng đau gân nơi ống chân trái lan tới cả bộ gân trên đầu, đau nhức đến mức độ chị lịm đi một hồi lâu, ai cũng tưởng là chị đã chết! Thực ra chị phải nằm suốt 15 ngày đêm trong tình trạng đó. Chính lẽ, phải đưa chị ra khỏi bệnh viện, đem về nhà Dòng để chuẩn bị ra đi vĩnh biệt, nhưng chị năn nỉ ở lại chờ vận mệnh Chúa sẽ gửi tới.

Ðúng thế! Tự nhiên một Linh Mục bạn gia đình đến thăm và từ giã vì sắp sửa tới ngày nhập chủng viện Hội Thừa Sai Paris và lên đường truyền giáo. Một tháng sau vị Linh Mục đó viết thư đưa tin cho chị: trong Hội Thừa Sai đang vận động cuộc phong Chân Phước cho các vị Tử Ðạo thuộc Hội Dòng xưa kia ở Trung Hoa và Việt Nam, và đề nghị chị nên làm tuần 9 ngày cầu xin, Linh Mục đó hứa sẽ hợp ý cùng với Hội Dòng Thừa Sai cầu nguyện cho chị. Tuần cửu nhật bắt đầu hôm 15/08/1854, kính Ðức Mẹ Nữ Vương các Thánh Tử Ðạo và kính tất cả những vị Thừa Sai và Giáo Dân đã chết vì đức tin.

Trong khi đó chân của chị mỗi ngày càng sưng phồng lên và người ta thấy rõ nốt bầm máu lan rộng, bệnh nhân không ngủ được. Nhưng sáng hôm 23 tháng 8/1854, ngày cuối cùng tuần cửu nhật, chị Saint Bernard đòi xuống nhà thờ, một bên nách chống nạng, còn bên kia nhờ một chị em nâng đỡ, chứ không dám để chân trái chạm tới đất. Chị ngồi vào chỗ, nhìn thẳng lên nhà tạm và tượng Ðức Mẹ, chị cảm thấy có một biến chuyển trong mình, nhưng không làm sao diễn tả cho chính xác, rồi chị tự nhủ: "Có lẽ nào mà mình được khỏi, nhờ lời cầu khẩn của bằng ấy vị Tử Ðạo: Lạy Chúa, vì Chúa mà các ngài đó đã đổ hết máu đào, lạy Mẹ, chính Con Mẹ mà các ngài đã chịu cực hình". Xong lễ, chị ra khỏi nhà thờ lúc 8 giờ sáng: một mình chị chống nạng hai bên nách và thử lê chân trái chạm tới đất. Chị tiếp tục làm hết tuần cửu nhật. Vào buổi trưa, thay vì nạng, chị di chuyển bằng một cây gậy.

Lúc 15g30, chị đi hát kinh chiều với cộng đoàn, ngồi bên bà Giám Ðốc. Về cuối giờ kinh chị cảm thấy nơi ống chân tự nhiên giật mạnh một cái đau nhói, nhưng rồi êm luôn. Chị Saint Bernard một mình đứng dậy, hai tay không mang gì hết, chị tiến thẳng về tượng Ðức Mẹ xa cách đó chừng 20 thước và quỳ tạ ơn. Toàn thể cộng đoàn ngơ ngác nhìn chị với vẻ ngạc nhiên, nhưng hết sức vui mừng phấn khởi, tất cả đều đứng lên theo bà Giám Ðốc Tu Viện và đồng nhịp họ lớn tiếng hát bài Magnificat tạ ơn Thiên Chúa!

 

3. Phép Lạ: Cô Dolores Conflans được chữa khỏi chứng bệnh tê liệt xương sống: 8/06/1888, tại VIC (Tây Ban Nha):

Cô Dolores Conflans, quê tại thành VIC, năm 18 tuổi, bị tê liệt xương sống phải nằm suốt trong 11 năm liền. Ðau tới mức độ lan ra cả xương bả vai và hai cánh tay. Con người gầy còm, vì không ăn uống được nhiều chỉ còn da bọc xương. Mỗi lần mệt mỏi cô muốn cử động mấy đầu ngón tay là cả một công trình, vì phải mất lâu thời giờ. 5 bác sĩ thay nhau khám bệnh và điều trị, tuy nhiên không làm sao cho bệnh nhân có khả năng tiến đi được mấy bước. Bác sĩ Torres, năm1879, khi mới bắt đầu đến chữa đã tuyên bố: thân cô Dolores là "một vết thương cụ thể", nói trúng hơn là "một huỷ bại toàn diện cơ thể" (leione materiale, o distruzione dell' organo).

Do người ta khuyến cáo, cô yêu cầu được chở tới đền các vị Tử Ðạo Việt Nam, đang được chuẩn bị tôn phong Chân Phước đợt II (1906), nơi đây cô cầu xin ráo riết, nhất là cầu xin Thánh Linh Mục Amato, là vị đã sinh trưởng tại VIC, và trong đền các vị Tử Ðạo nói trên còn giữ hài cốt của ngài. Cô dự thánh lễ: vào lúc Linh Mục chủ tế chịu Mình Thánh Chúa, cô cảm thấy trong mình thoải mái dễ chịu, tự nhiên cô quỳ xuống đất, lúc ban đầu tay còn vịn vào chiếc ghế đằng trước, cô quỳ gối làm dấu Thánh Giá, và rồi cũng tự mình đứng lên cho tới hết giờ đọc Phúc Âm sau cùng.

Cô Dolores Conflans còn ở lại trong đền các vị Tử Ðạo, dự thêm một thánh lễ thứ hai, nghe giảng, rước lễ, rồi sang tu viện các Nữ Tu Ða Minh bên cạnh đền thờ, cô ăn sáng tại đây, và ở mãi cho tới 8 giờ tối. Buổi chiều hôm đó, cô đi lại thăm tu viện, và còn cầm đèn nến trong tay tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể hôm đó, 8/06/1888, được tổ chức trong sân tu viện như bất cứ một nữ tu bình thường khác vậy.

Bác sĩ Pellegrini, một trong 5 bác sĩ điều trị bệnh nhân, đã trở lại khám nghiệm các phần thân thể đau yếu hồi trước của cô Dolores Conflans, đã minh chứng: "Sau khi hội kiến với 4 Bác sĩ khác, chúng tôi không thể giải thích theo phương pháp y khoa tình trạng khỏi bệnh bất thường của cô Dolores Conflans".

 

4. Phép Lạ: Cô Adela Mac Master, ngày 4/09/1959, tại Mexicô D.F.:

Bị ung thư ở ngón tay giữa bàn tay trái: đầu tiên như một cái mụn mọc lên ở đốt cuối cùng ngón tay, mỗi ngày cứ phồng lên to như quả nhãn, cô Adela Mac Master cảm thấy nhức nhói lan ra khắp bàn tay, và là một cực hình mỗi lần phải cử động, hay lỡ ra bị va chạm vào đâu. Các Bác Sĩ công nhận chỉ còn một cách giải phẫu và cưa hẳn ngón tay. Nghe đến chuyện giải phẫu bệnh nhân rùng mình kêu khóc.

Ðể trấn an cô con gái cưng, ông thân sinh tự xuất thân làm "bác sĩ" bằng cách lấy thứ dầu Bengué thoa bóp ngón tay, rồi ông tự ý, khi băng bó, gói cả trên vết thương miếng vải di tích của Thánh Giám Mục Valentino Berrio Ochoa, tử đạo năm 1861 tại Hải Dương.

Sáng hôm 4/09/1959, cả gia đình đi nhà thờ dòng Ða Minh có ý xin lễ cầu cho cô "vì công nghiệp vị Thánh Tử Ðạo" nói trên. Nhưng Cha Giám Ðốc Tu Viện chỉ định ngày 27 tháng 9/1959 mới có thể dâng thánh lễ theo ý muốn gia đình, vì suốt thời gian trước đó đã có người khác dành chỗ cả rồi! Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó cô Adela (23 tuổi) nhỏm dậy chạy đi tìm mẹ và cô em gái, cô la ó ầm ĩ: "Mẹ ơi, xem ngón tay con, hết đau rồi nè". Cục ung thư biến đâu mất, và ngón tay trở về bình thường không thấy dấu vết gì nữa. Các Bác sĩ được mời đến khám nghiệm đều ngơ ngác trước sự kiện lạ lùng do quyền phép Chúa làm.

 

5. Thánh Giám Mục Valentino Berrio Ochoa vẫn còn tiếp tục thi ân trong rất nhiều trường hợp các bệnh nhân được chữa lành mạnh:

Một đặc điểm là Thánh Giám Mục Valentino Berrio Ochoa vẫn còn tiếp tục thi ân trong rất nhiều trường hợp các bệnh nhân được chữa lành mạnh. Tại thành phố Bilbao (Tây Ban Nha) người ta đã mở cả một "Văn phòng Tôi Tớ Chúa: Berrio Ochoa" (Secretariado Berrio Ochoa Dominicos) và đã công bố một tài liệu về những phép lạ đã nhận được do sự bảo trợ của "Thánh Valentino Berrio Ochoa và các Bạn Tử Ðạo" nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Ngài 1827-1927.

Trong tập tài liệu nói trên, có ghi lại một vài sự kiện như sau:

- Tính theo số những đơn đã xin đích danh và một mình Thánh Valentino Berrio Ochoa, từ tháng 6 năm 1908 tới tháng 5 năm 1985: được 116 phép lạ chữa lành bệnh nhân;

- Theo số đơn đã xin Thánh Valentino Berrio Ochoa và các Bạn Tử Ðạo: từ tháng 12 năm 1978 tới tháng 2 năm 1986: được 21 phép lạ tập thể (miraculum globale);

- Sau cùng, hai phép lạ được khỏi bệnh qua sự bảo trợ của Thánh Melchor Garcia Sampedro (Tử Ðạo tại Nam Ðịnh, 28/07/1858).

Trên thực tế là những bệnh nhân đã được lành mạnh và đã trở lại tri ân và ghi tên tuổi của mình, nhưng các phép lạ được nhắc tới trong mục số 4, và 5 không lập thành bản án điều tra theo thể thức giáo luật, như mấy phép lạ kể trên số 1, 2, và 3. Tuy nhiên sự kiện vẫn minh chứng lòng tôn sùng sâu rộng của giáo đoàn, nhất là giới bệnh nhân, dành cho các Thánh Tử Ðạo tại Việt Nam, cũng như minh chứng sự kiện Chúa Quan Phòng bảo đảm uy thế các ngài trước tòa thiên Chúa.

 

(Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh

của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)